https://ift.tt/36w55rG Từ chuyện ống hút đến một căn bếp ít rác hơn

Câu chuyện ống hút mình muốn kể có 2 phần: đầu tiên là câu chuyện mình tự làm ống hút từ sả (tận dụng lớp vỏ ngoài đã già) và chuyện về ống hút từ gạo đã từng chiếm sóng truyền thông thời gian trước đây.

Chuyện về chiếc ống hút nhựa luôn làm mình suy nghĩ. Những chiếc ống hút nhựa dùng 1 lần đã len lỏi vào cuộc sống của chúng ta, chỉ vì 2 chữ “tiện lợi”. Rồi hình ảnh có chú rùa biển, mũi bị mắc kẹt với chiếc ống hút, mình nhìn mà xót. Hình ảnh ấy in sâu trong tâm trí, để mỗi lần ra quán gọi đồ, nhớ mà bảo người ta bỏ ống hút đi… Mình thấy vui vì bây giờ đã có nhiều giải pháp thay thế như ống hút làm từ inox, tre, cỏ bàng. Các cơ sở kinh doanh cũng bắt đầu tiếp nhận và thay đổi, dù còn chậm và ít. Nhưng mình nghĩ, sự thay đổi còn đến từ chính chúng ta, những người tiêu dùng.

Ở nhà, uống Juice thì mình cứ thế mà uống cả cốc thôi, không cần thêm vật dụng gì cho cầu kì. Với đồ uống lạnh hay để chuẩn bị cho một bữa tiệc gia đình nho nhỏ, thì chiếc ống hút vẫn có thể trở nên hữu dụng. Vì vậy mình muốn chia sẻ với mọi người một mẹo vặt, tự làm ống hút tự nhiên từ sả. Một giải pháp với nguyên liệu rất đỗi quen thuộc, sẵn có và chi phí thì quá rẻ rồi. Cách làm rất đỗi đơn giản.

Video hướng dẫn làm ống hút từ sả

Về chuyện ống hút gạo thì đây vẫn là sản phẩm dùng một lần. Hơn nữa, ống hút gạo chỉ dùng được từ 20-30 phút trước khi bị tan, không thân thiện với đồ uống nóng. Bên cạnh đó, ta còn chưa kể đến về phần nguuồn gốc nguyên liệu, quy trình sản xuất và chất thải sau sản xuất, cùng với đó là quá trình vận chuyện logistics đến nơi tiêu thụ nữa. Nếu như thế, nó có thực sự thân thiện với môi trường không? Khi nói về chuyện rác thải, nhiều khi ta chỉ quan tâm đến một nửa sự thật, rằng chúng có tự phân huỷ hay không. Nửa còn lại là, ta cần bao nhiêu năng lượng để sản xuất ra sản phẩm đó. Lấy một ví dụ như chiếc túi giấy dùng 1 lần và 1 chiếc túi nilon. Năng lượng và nước sạch dùng để sản xuất 1 chiếc túi giấy cao hơn nhiều so với 1 chiếc túi nilon. Đến đây sẽ có người thắc mắc: vậy dùng túi gì bây giờ. Câu hỏi đặt ra và cốt lõi của vấn đề nằm ở hai chữ "cần thiết" hay không?

Sản phẩm như ống hút gạo, ắt hẳn sẽ nhắm đến đối tượng là các quán cafe rồi. Mình có hỏi một số bạn, lý do sử dụng ống hút khá đang dạng: uống đồ lạnh tiện hơn, son môi không bị trôi, nhìn thanh lịch & duyên dáng hơn, hoặc đơn giản là lười. Chắc ra ngoài ngồi cafe, toàn tu cốc mất hết duyên nên mới ế đó.

Chất liệu làm ra ống hút không phải vấn đề cốt lõi ta cần giải quyết. Thay thế nhựa bằng gạo, giống như thay thế một vấn đề này bằng một vấn nạn khác. Không khác gì câu chuyện Starbucks kêu bỏ ống hút nhựa, chuyển sang ống hút giấy bọc trong túi nilon, và cốc của khách vẫn là cốc nhựa vậy...

Mình nghĩ rằng ống hút gạo vẫn là một giải pháp, nhưng liệu lợi có bất cập hại không?! Theo mình, hạn chế và thay đổi thói quen ử dụng ống hút - chỉ sử dụng khi thực sự cần thiết với ống hút có thể dùng lại nhiều lần - là cách tiếp cận lâu dài và bền vững!

Quay lại với chuyện một căn bếp ít rác hơn thì có lẽ chúng ta chỉ cần thay đổi thói quen cũ, có khó khăn vất vả hơn một chút, nhưng mang lại hiệu quả bền vững và lâu dài, hơn là tìm đến những vật liệu mới. Bắt đầu từ việc đi chợ mang theo túi làn cá nhân, đến việc hạn chế lựa chọn sản phẩm đóng gói bao bì sẵn hay cho tới việc tận dụng những thứ tưởng chừng như vứt đi để làm gọn thêm căn bếp: lấy vỏ ngoài của sả làm ống hút cho những bữa tiệc nho nhỏ, hay việc tận dụng vỏ cam vỏ bưởi đốt lấy tinh dầu cho thơm nhà thơm cửa. Thực sự mình nghĩ có vô vàn cách khác nhau để có được một căn bếp ít rác hơn. Điều quan trọng mà mình tích luỹ được qua áp dụng những biện pháp nói trên, là đừng hướng tới sự hoàn hảo, mà hãy làm tốt nhất với những gì bạn có!

Facebook: facebook.com/ducankitchen
Blog của mình: ducankitchen.com
Kênh Youtube: youtube.com/ducankitchenofficial
Instagram: instagram.com/ducankitchen

#daynauan #bep360 #họcnấuăn #mónănngon #dạynấuăn #monngonmoingay